Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi về việc có nên bãi bỏ án tử hình hay không đang trở thành một chủ đề đang được bàn luận trong xã hội cũng như giữa các nhà làm luật. Theo đó Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trước đây, án tử hình được xem là chế tài nghiêm khắc nhất vì mục đích của hình phạt tử hình là nhằm ngăn ngừa, răn đe tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những trường hợp người phạm tội biết rõ hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện, với tâm lý “chết thì hết”, thậm chí nảy sinh thêm động cơ trả thù, gây án nghiêm trọng hơn. Điều này cho thấy hiệu quả răn đe của án tử hình không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng như mong đợi. Từ những lý do trên, quan điểm của tôi là nên bãi bỏ án tử hình thay vào đó áp dụng hình phạt tù chung thân không có thời hạn.

Thứ nhất, bãi bỏ án tử hình phù hợp với nguyên tắc nhân đạo và giá trị nhân văn truyền thống của Việt Nam. Là một quốc gia có truyền thống nhân đạo, Việt Nam luôn đề cao tinh thần khoan dung, tạo cơ hội được sửa sai và hoàn lương. Việc thay thế án tử hình bằng án tù chung thân không giảm án là lựa chọn hợp lý trong nhiều trường hợp. Điều này không phải để dung thứ cho cái ác, mà để tạo cơ hội cho sự hối cải và hướng thiện, góp phần vào công cuộc cải tạo người phạm tội, bảo đảm tính nhân văn và tiến bộ của pháp luật.

Đơn cử: Án tù có kỷ lục thời hạn dài nhất ở Mỹ thuộc về Charles Scott Robinson khi phạm tội hiếp dâm bé gái ba tuổi tại bang Oklahoma vào năm 1994. Với 6 lần gây án, hắn bị phạt 5.000 năm tù cho mỗi hành vi, kết quả phải chịu án 30.000 năm tù. Kẻ giữ kỷ lục về số án tù chung thân nhiều nhất là Terry Nichols với 161 bản án chung thân không ân xá vì đánh bom tại bang Oklahoma vào năm 1995.[1]

Thứ hai, bãi bỏ án tử hình sẽ tránh được nguy cơ tử hình sai – một hậu quả không thể khắc phục. Một bản án tử hình sai  có thể khiến một sinh mạng bị tước đoạt oan uổng, điều mà không một lời xin lỗi hay khoản bồi thường nào có thể bù đắp. Tòa án tuyên án nhân danh Nhà nước, nhưng trách nhiệm về mặt đạo đức và xã hội là vô cùng lớn lao. Trong khi đó, nếu là án tù chung thân không thời hạn vẫn còn khả năng kháng cáo, kháng nghị và sửa sai.

Thứ babãi bỏ án tử hình sẽ tiến gần hơn với chuẩn mực pháp luật quốc tế. Theo xu hướng toàn cầu, Liên Hợp Quốc đang tích cực kêu gọi các quốc gia bãi bỏ hình phạt tử hình. Theo thống kê của Tổ chức Ân xã quốc tế tính đến tháng 12 năm 2024 hơn hai phần ba số quốc gia trên toàn thế giới hiện đã bãi bỏ án từ hình trong luật hoặc trên thức tế, các con số như sau:

- Bãi bỏ án tử hình cho mọi tội danh: 113 quốc gia điển hình đến quốc gia đã chính thức loại bỏ án tử hình khỏi hệ thống pháp luật, trong đó có nhiều nước phát triển như Anh, Canada, Úc, New Zealand – vốn đã bãi bỏ từ hơn nửa thế kỷ trước

- Chỉ bãi bỏ án tử hình cho các tội thông thường: 9 quốc gia

- Bãi bỏ án tử hình trên thực tế (thực tiễn): 23 quốc gia

- Tổng số quốc gia bãi bỏ trong luật hoặc thực tiễn: 145 quốc gia

- Vẫn duy trì án tử hình (Retentionist): 54 quốc gia [2].

Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) của Liên Hợp Quốc khẳng định “ai cũng có quyền được sống tự do và an toàn thần thể’’ [3] , như vậy đây được xem là quyền tối cao của con người và cần được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, ngay cả trong trường hợp họ đã phạm tội.

Việc loại bỏ án tử hình không thể thực hiện một cách vội vàng, mà cần được cân nhắc trên nhiều khía cạnh, bao gồm tình hình chính trị - xã hội, an ninh quốc gia; ý thức pháp luật và văn hóa ứng xử của người dân, đồng thời cần cân nhắc đến hiệu quả của hệ thống tư pháp và thi hành án. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tiếp cận với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và hệ thống pháp luật tiến bộ, việc giảm dần và tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình trong tương lai là điều nên được nghiên cứu.

LS. Nguyễn Văn Hiếu

Chi nhánh Văn phòng Luật sư An Nghiệp và Cộng sự 

[1] Theo Slate, The Guardian, Atlas Obscura, BBC, Oklahoman, truy cập từ: https://vnexpress.net/vi-sao-tu-nhan-o-my-bi-tuyen-muc-an-dai-hang-tram-nam-3953530.html, ngày 0/04/2025;

[2] Amnesty (2024), Abolitionist an retentionist countries as of Decembe 2024, truy cập từ < https://www.amnesty.org/en/documents/act50/9240/2025/en/?utm_source=chatgpt.com>, ngày 04/04/2025;

[3] Điều 3 tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) ngày 04/04/2025;

 

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 0584 666 111

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- P. Trung Dũng- Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Bài viết khác