GIAO DỊCH DÂN SỰ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Giao dịch dân sự là giao dịch rất phổ biến và quan trọng trong lĩnh vực dân sự, nó diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Để đảm bảo cho các giao dịch dân sự được thực hiện, không vi phạm quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người giao dịch người cần nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch dân sự mà mình tham gia, như: khái niệm, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức, điều kiện…về giao dịch dân sự.
1. Khái niệm về giao dịch dân sự.
Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Khái niệm nói trên xác định rõ hậu quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.
Giao dịch dân sự là gì?
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán thì mục đích pháp lí của bên mua là sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản mua bán, bên bán sẽ nhận tiền và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua. Mục đích pháp lí đó sẽ trở thành hiện thực khi hợp đồng mua bán tuân thủ mọi quy định của pháp luật và bên bán thực hiện xong nghĩa vụ bàn giao tài sản mua bán, khi đó, hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch trùng với mong muốn ban đầu của các bên.
2. Các lĩnh vực giao dịch dân sự.
Như đã nêu ở trên, giao dịch dân sự rất phổ biến trong các lĩnh vực dân sự như:
2.1 Trong lĩnh vực đất đai, bao gồm các giao dịch mà Luật Đất đai quy định về quyền của người sử dụng đất và nhóm người sử dụng đất tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, theo đó:
- Khoản 1 Điều này quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
- Khoản 2 Điều này quy định: “Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau":
+ Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này. Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;
+ Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất” (08 quyền giao dịch về đất).
2.2 Trong lĩnh vực nhà ở, bao gồm các giao dịch về nhà ở mà Luật nhà ở quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà, theo đó Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014 quy định:
- Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây: Mua Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó” (14 quyền giao dịch về nhà ở).
2.3 Trong lĩnh vực vay tài sản, bao gồm các giao dịch vay tài sản là vật hoặc là tiền được quy định từ Điều 463 đến Điều 471 Mục 4 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015. Lưu ý về lãi suất vay, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”, và các lĩnh vực dân sự khác.
3. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Khi tham giao dịch dân sự, chủ thể cần nắm chắc các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
4. Điều kiện của giao dịch dân sự.
Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, theo đó Khoản 1 Điều này quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện như sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Năng lực pháp luật dân sư của cá nhận được quy định từ Điều 16 đến Điều 18 Bộ luật đân sự năm 2015. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 19, Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015: là “ Khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”; là người thành niên: “1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên; 2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này”;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Nghĩa là khi tham gia giao dịch dân sự, chủ thể không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Ví dụ: Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013; Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014; Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014…Không trái đạo đước xã hội. Đạo đức xã hội là chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Ví dụ: Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định "Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này…”
5. Giao dịch dân sự bị vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu.
Quy định từ Điều 122 đến Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015: Nếu giao dịch dân sự không thỏa mãn các điều kiện Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, thì khi xảy tranh chấp, Tòa án xem xét và phán quyết giao dịch đó. Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”
Giao dịch dân sự vô hiệu
5.1 Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
a) Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
b) Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
c) Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
d) Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
đ) Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định .
5.2 Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 132:
a)Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm.
b) Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
c) Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
Khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể cần nắm chắc các quy định của pháp luật nói trên, để tránh mắc phải hậu quả pháp lý bất lợi làm mất tiền của, thời gian và tình cảm của các bên trong giao dịch dân sự.
Dịch vụ tư vấn các vấn đề liên quan đến tranh chấp trong giao dịch dân sự của Luật An Nghiệp.
Luật An Nghiệp tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp trong giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn các công việc dưới đây:
- Tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý có liên quan đến tranh chấp trong giao dịch dân sự c;
- Định hướng và đưa ra phương án xử lý tối ưu cho Qúy khách hàng;
- Đại diện theo ủy quyền để làm việc với các bên, cơ quan nhà nước và thực hiện các thủ tục có liên quan đến tranh chấp trong giao dịch dân sự;
- Hỗ trợ soạn Đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, các văn bản, hồ sơ khác trong quá trình giải quyết vụ án;
- Tham gia tố tụng tại Tòa án;
>>Xem thêm: BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ KHI PHÁT SINH TRANH CHẤP
GIAO DỊCH DÂN SỰ VI PHẠM HÌNH THỨC, HẬU QUẢ CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ VI PHẠM HÌNH THỨC
LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP
Điện Thoại: 079 44 77 555
Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai
Dịch vụ khác
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
-
Luật sư