Giao dịch dân sự vi phạm điều kiện về hình thức sẽ làm giao dịch dân sự không có giá trị pháp lý và là một trong những căn cứ để Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự. Vậy thế nào là giao dịch dân sự vi phạm điều kiện về hình thức và hậu quả của việc giao dịch dân sự vi phạm hình thức ra sao?

1. Giao dịch dân sự vi phạm hình thức là gì?

1.1 Giao dịch dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Hành vi pháp lý đơn phương có thể hiểu là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc bên còn lại trong quan hệ.

Ví dụ: Anh B và chị T ký hợp đồng thuê mặt bằng, thì anh B có quyền thu tiền thuê mặt bằng, giao mặt bằng cho chị T sử dụng. Chị T có quyền sử dụng mặt bằng, có nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng theo thỏa thuận. Vậy hợp đồng thuê mặt bằng ở giữa anh A và chị T là giao dịch dân sự.

1.2 Hình thức của giao dịch dân sự?

Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:

  • Hình thức của giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó hình thức bằng văn bản được cho là hình thức có nhiều những quy định phức tạp liên quan đến hiệu lực của giao dịch dân sự đó trên thực tế.
  • Giao dịch dân sự thể hiện bằng lời nói là giao dịch được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói. Các bên giao kết sẽ trao đổi các nội dung thỏa thuận với nhau bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua âm thanh trên điện thoại, điện đàm, thông điệp điện tử…

Ví dụ: Chị B đi chợ mua thịt heo tại sạp hàng của bà D, giữa hai người thỏa thuận với nhau về giá cả thịt heo và khối lượng. Chị B đồng ý mua và trả tiền cho bà D, bà D có nghĩa vụ giao thịt heo cho chị B. Như vậy, việc thỏa thuận giá cả, số lượng giữa chị B và bà D là giao dịch dân sự bằng lời nói trực tiếp.

  • Giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản là giao dịch dân sự mà hai bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên được thể hiện bằng văn bản và các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như email, fax,…
  • Giao dịch dân sự thể hiện bằng hành vi cụ thể là giao dịch dân sự mà hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản cũng như thỏa thuận bằng lời nói. Việc giao kết giao dịch dân sự này được minh chứng bằng các hành vi cụ thể như bên bán tiến hành giao hàng hoặc bên mua tiến hành trả tiền.
  • Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì: “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.”:

  • Thông điệp dữ hiệu có thể được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.
  • Theo quy định tại Điều 12 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì: “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.”
  • Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122”.

1.3 Giao dịch dân sự vi phạm về hình thức là gì?

Dựa vào các quy định của pháp luật theo sự trình bày ở trên, có thể hiểu giao dịch dân sự vi phạm về hình thức là giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức của giao dịch dân sự. 

2. Hậu quả của giao dịch dân sự vi phạm hình thức.

2.1 Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”

Tức là để bảo vệ trật tự an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước và sự an toàn của người tham gia giao dịch, ngoài việc thể hiện ý chí đích thực của mình thì các chủ thể tham gia giao dịch còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức.

Trường hợp pháp luật có quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức mà giao dịch dân sự vẫn vi phạm thì vô hiệu theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điển hình là theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp những giao dịch mà pháp luật quy định phải thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các bên tham gia giao dịch phải tuân theo quy định đó, nếu vi phạm thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu.

2.2 Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức

Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Một là: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Như vậy, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì mọi thỏa thuận coi như không có.

Hai là: Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Vậy việc trả lại hiện vật là ưu tiên, trường hợp không thể trả bằng hiện vật thì mới trả tiền. Trong thực tế, nhiều khi tài sản không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận, được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý để khắc phục, bù đắp những tổn thất.

Ba là: Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Điều này có nghĩa là việc hoàn trả hay không hoàn trả hoa lợi, lợi tức phụ thuộc vào sự ngay tình hay không ngay tình của bên nhận tài sản như các quy định về hoàn trả tài sản do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Ví dụ: Anh A bán một ngôi nhà cho anh B. Anh B nhận nhà và trả đủ tiền mua nhà 5 tỷ đồng. Anh B cho thuê nhà trong một năm được 150 triệu đồng. Sau một năm, anh A và anh B xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, giá nhà xác định tại thời điểm này là 7 tỷ đồng. Như vậy, lợi tức mà anh B được hưởng khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là 150 triệu đồng chứ không phải là chênh lệch giá nhà 2 tỷ đồng.

Bốn là: Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu, nếu các bên có yêu cầu giải quyết bồi thường thì Tòa án có trách nhiệm xác định thiệt hại. Về nguyên tắc, một bên chỉ phải bồi thường cho bên kia khi có thiệt hại xảy ra, không có thiệt hại thì không có trách nhiệm bồi thường. Việc xác định giá của tài sản trong giao dịch cũng là một vấn đề đáng lưu ý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Năm là: Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định.

2.3 Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm về hình thức vẫn có hiệu lực

Hình thức chỉ là yếu tố bắt buộc để giao dịch dân sự có hiệu lực hay không chỉ trong những trường hợp đặc biệt mà pháp luật quy định. Vậy nên, không phải giao dịch vi phạm hình thức nào cũng dẫn đến hậu quả pháp lý bị vô hiệu mà nó vẫn có hiệu lực trong một số trường hợp.

Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức nhưng vẫn có hiệu lực nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất: Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Thứ hai: Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Vậy, có thể thấy rằng nếu như một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch và có yêu cầu của một bên hoặc cả hai bên thì Tòa án sẽ quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó dù giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức.

Việc xác định một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch dân sự phải phụ thuộc vào từng loại nghĩa vụ cụ thể. 

Ví dụ: Nếu là nghĩa vụ hoàn thành công việc thì phải thực hiện được ít nhất 2/3 công việc, nếu là nghĩa vụ trả tiền thì phải trả được ít nhất 2/3 số tiền,…

2.4 Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức

Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức là 02 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức. Hết thời hiệu này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực. 

Vì vậy, trong trường hợp cần yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức thì bạn đọc cần lưu ý về thời hiệu theo quy định đã trình bày ở trên.

Dịch vụ tư vấn các vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự vi phạm hình thức của Luật An Nghiệp.

Luật An Nghiệp tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự vi phạm về hình thức theo quy định của pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn các công việc dưới đây:

  • Tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý có liên quan đến giao dịch dân sự vi phạm về hình thức;
  • Định hướng và đưa ra phương án xử lý tối ưu cho Qúy khách hàng;
  • Đại diện theo ủy quyền để làm việc với các bên, cơ quan nhà nước và thực hiện các thủ tục có liên quan đến giao dịch dân sự vi phạm về hình thức;
  • Hỗ trợ soạn Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, các văn bản, hồ sơ khác trong quá trình giải quyết vụ việc;
  • Tham gia tố tụng tại Tòa án;

Trên đây là nội dung toàn bộ thông tin về giao dịch dân sự vi pham hình thức và hậu quả, để hiểu rõ hơn hoặc cần tư vấn pháp lý thì hãy liên hệ ngay với Luật An Nghiệp.

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 0584 666 111

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc, KP6, P. Trung Dũng, Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Dịch vụ khác