PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT
1. Di sản thừa kế là gì ?
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
2. Khái niệm thừa kế theo pháp luật.
Di sản thừa kế hiểu một cách đơn giản là phần tài sản của người chết. Trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể việc chia di sản thừa kế theo pháp luật trong khi người chết không để lại di chúc thì di sản của người chết được chia theo hàng thừa kế, điều kiện và theo một trình tự mà pháp luật quy định.
Các hàng thừa kế này dựa theo các mối quan hệ của người chết mà họ có thể chia phần di sản để lại trên ý chí của họ: quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng,…. Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế, con sinh ra hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng phải thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Thừa kế theo pháp luật
Vì là thừa kế theo pháp luật nên đặt ra vấn đề là người con chưa được sinh ra đây phải có cùng huyết thống hay không, nên phải quy định thêm là thành thai trước khi người để lại di sản chết khi đấy mới chứng minh được mối quan hệ huyết thống của họ với nhau. Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng và con được sinh ra không quá ba trăm ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (ly hôn, vợ hoặc chồng chết) được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Phân chia di sản theo pháp luật là chia di sản thành các phần bằng nhau và giao di sản cho những người ở cùng hàng thừa kế được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu chia bằng hiện vật; nếu không thể chia đầu bằng hiện vật thì những người thừa kế thỏa thuận về việc định giá hiện vật và người nhận hiện vật. Nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa được sinh ra thì phải dành một phần bằng phần di sản mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người đó khi sinh ra mà còn sống thì được hưởng; nếu người đó chết trước khi sinh ra thì người thừa kế khác được hưởng.
3. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp đầu tiên mà ai cũng có thể hiểu một cách đơn giản là không có di chúc. Trường hợp này cũng dễ hiểu vì không có di chúc để lại có nghĩa là người chết không có căn cứ biểu đạt ý chí của bản thân bằng văn bản hay lời nói của mình để lại khối tài sản đó cho những người thân của mình trước khi chết, mà quyền sở hữu tài sản của một người là không thể tước bỏ họ có quyền định đoạt khối tài sản của mình. Vì vậy đơn giản có thể hiểu, pháp luật có thể dự theo các mối quan hệ của họ để từ đó suy xét nếu họ có thể để lại di chúc thì ai có thể hưởng di chúc ấy. Nên trong trường hợp nếu không có di chúc, pháp luật giải quyết chia tài sản theo pháp luật.
Tiếp theo là có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, theo quy định về hình thức của di chúc thì di chúc có hai hình thức được thành lập thành văn bản và di chúc miệng, di chúc hợp pháp được quy định cụ thể ở điều 630 Bộ luật dân sự 2015.
Pháp luật Dân sự cũng đặt ra trường hợp người được nhận di sản thừa kế (con) của người để lại di sản chết cùng thời thởi điểm hoặc chết trước người để lại di sản thừa kế thì cháu trong trường hợp này sẽ được thay vị trí của bố hoặc mẹ để hưởng phần di sản đó, chắt sẽ được hưởng phần di sản thừa kế khi cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản chết, vấn đề này được quy định tại Điều 677, Bộ luật Dân sự năm 2015: Thừa kế thế vị.
Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật cũng đặt ra hai trường hợp đối với người thừa kế khi họ từ chối nhận di sản và không có quyền hưởng di sản thừa kế quy định tại Điều 620, 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người để lại di sản và người thừa kế.
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
4. Những hàng thừa kế theo pháp luật.
Những người được pháp luật chia di sản theo hàng thừa kế quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 được gọi là thừa kế theo pháp luật, những người ở cùng hàng thừa kế với nhau sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Nhưng không phải là di sản chia đều cho hàng thừa kế mà người ở hàng thừa kế đầu không còn ai thừa kế hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản thì hàng tiếp theo sẽ được hưởng thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Những người có chung huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ hôn nhân gần nhất gồm có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vì sao pháp luật lại cho những người này ở hàng thứ nhất, đơn giản vì nhà làm luật nghĩ rằng người chết có quyền và nghĩa vụ với những người này nhất, họ là những người thân ruột thịt nhất đối với người chết, nếu họ có thể để lại di chúc thì những người này phải được ưu tiên nhất.
Hàng thừa kế thứ hai được hưởng thừa kế khi mà những người ở hàng thứ nhất thuộc các trường hợp quy định nêu trên thì hàng thứ hai này sẽ được hưởng di sản bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; cháu ruột của người để lại di sản mà người chết là ông bà nội hoặc ông bà ngoại. Về mối quan hệ huyết thống với người để lại di sản thì những người thừa kế ở hàng thứ hai này họ có mối quan hệ huyết thống xa hơn hàng thừa kế thứ nhất nhưng đồng thời cũng có mối quan hệ gần gũi nhất với hàng thứ nhất.
Hàng thừa kế thứ ba: Khi hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế từ hai không có người thừa kế thì hàng thứ ba mới được quyền thừa kế bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột,; chắt ruột của người chết mà người để lại di sản là cụ nội, cụ ngoại. Hàng thừa kế này thì quan hệ huyết thống của người chết để lại cho người thừa kế xa hơn nhiều với hàng thừa kế thứ hai và thứ nhất. Hàng thừa kế này cũng bap gồm gần hết quan hệ huyết thống họ hàng của người chết.
5. Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thế nào?
Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Luật Công chứng. Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật có thể thực hiện việc nhận thừa kế thông qua Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Những người thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong đó, người thừa kế có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác, hoặc từ chối nhận toàn bộ phần di sản thừa kế của mình được hưởng;
- Văn bản khai nhận di sản thừa kế: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoăc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng Văn bản khai nhận di sản.
Khi đó, để nhận thừa kế theo pháp luật, người được hưởng phải thực hiện thủ tục công chứng một trong hai loại Văn bản này. Dưới đây sẽ đề cập đến thủ tục công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hai loại Văn bản nêu trên. Cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng;
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết…
- Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
- Các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người thừa kế;
- Các giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô…
Sau khi nộp đủ giấy tờ, hồ sơ, Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra. Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Nếu không có cơ sở giải quyết thì giải thích và từ chối tiếp nhận.
Bước 2: Niêm yết công khai
Việc niêm yết phải được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản với các nội dung như họ, tên người để lại di sản, người nhận thừa kế, quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế, danh mục di sản thừa kế…
Thời gian niêm yết là 15 ngày.
Bước 3: Ký công chứng và trả kết quả
Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Sau đó, Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ, hồ sơ đã nêu ở trên để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản.
Khi hoàn tất hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng và trả lại bản chính của Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người thừa kế.
6. Phân chia di sản trong một số trường hợp cụ thể.
Căn cứ theo quy định tại Điều 662 Bộ Luật Dân sự 2015, việc phân chia đi sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì được giải quyết như sau:
– Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
7.Về thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ Luật Dân sự 2015
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ Luật Dân sự 2015.
Như vậy, qua bài viết trên chúng tôi đã cung cấp các thông tin và vướng mắc khi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật và các quy định liên quan tới phân chia di sản thừa kế. Nếu có bất kì vướng mắc hãy liên hệ ngay với Luật An Nghiệp để được hỗ trợ giải đáp. Luật An Nghiệp cung cấp các dịch vụ tư vấn về khai nhận, phân chia di sản thừa kế.
LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP
Điện Thoại: 079 44 77 555
Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc, KP6, P. Trung Dũng, Biên Hòa - Đồng Nai
Dịch vụ khác
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
-
Luật sư