Đặt cọc là từ khá quen thuộc đối với mọi người. Khi ta mua bất kì một sản phẩm, hay sử dụng các dịch vụ thì thường sẽ có một khoản chi phí đặt cọc trước để giữ sản phẩm hoặc giữ chỗ. Nhưng với những gia dịch lớn, số tiền đặt cọc nhiều thì sẽ sử dụng Hợp đồng đặt cọc. Mối quan hệ dù thân thiết đến đâu thì cũng nên sử dụng Hợp đồng đặt cọc để tránh được những tranh chấp, rủi ro về sau. Vậy Hợp đồng đặt cọc là gì? Quy định về Hợp đồng đặt cọc như thế nào, cùng tìm hiểu dưới bài viết sau đây

1. Khái niệm Hợp đồng đặt cọc?

1.1. Đặt cọc là gì?

Khoản 1 Điều 328, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định:

- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

1.2. Hợp đồng đặt cọc là gì?

- Là thỏa thuận của các bên xác lập việc một bên giao cho bên kia tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm hợp đồng được thực hiện có giá trị.

- Các bên sau khi nhận đặt cọc, thì xác lập giao dịch bằng văn bản, hoặc hợp đồng độc lập ghi nhận các điều khoản đặt cọc vào. Dù là lập dưới hình thức gì thì giá trị pháp lý của việc thỏa thuận đặt cọc là như nhau. Việc lập hợp đồng đặt cọc riêng chỉ giúp các bên có điều kiện thỏa thuận chi tiết hơn, rõ ràng hơn về đặt cọc và các nghĩa vụ phát sinh xoay quanh khoản tiền đặt cọc.           

- Hợp đồng đặt cọc lập ra nhằm để xác nhận nội dung đặt cọc, ràng buộc nghĩa vụ thực hiện dân sự của các bên và các giao dịch dân sự khác có liên quan.

Hợp đồng đặt cọc là gì?

Hợp đồng đặt cọc là gì?

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng đặt cọc

2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt cọc

  • Yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
  • Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc, tài sản ký cược hoặc đưa tài sản đặt cọc, tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đồng ý;
  • Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược.
  • Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
  • Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược được sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Căn cứ pháp lý: Khoản 1, Điều 38, Nghị định 21/2021/NĐ-CP

2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc

  • Yêu cầu bên đặt cọc, bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược;
  • Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;
  • Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược;
  • Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc, bên ký cược;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

3. Nội dung của Hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng đặt cọc là một dạng hợp đồng dân sự. Theo Điều 398, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về nội dung hợp đồng. Nội dung của hợp đồng chính là những điều khoản mà hai bên thỏa thuận khi giao kết. Xác định quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của hai bên. 

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

4. Xử lý tài sản đặt cọc khi các bên không thực hiện nghĩa vụ

4.1. Xử lý tài sản đặt cọc khi bên đặt cọc không thực hiện nghĩa vụ:

Theo khoản 2, Điều 328, Bộ Luật dân sự 2015 quy định: 

Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc

Như vậy, sau khi đặt cọc bên đặt cọc từ chối thực hiện hợp đồng, không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.

Ví dụ: Ông A có một mảnh đất ở huyện Long Thành, giá bán là 1.500.000.000 đồng. Ông B ngỏ ý muốn mua lại mảnh đất và được ông A đồng ý. Vào ngày 01/02/2023, ông A và ông B cùng kí kết hợp đồng đặt cọc dưới sự chứng kiến của ông C và bà D. Số tiền mà ông B đặt cọc là 50.000.000 đồng để giữ đất. Tuy nhiên sau khi kí kết hợp đồng, hẹn ngày 10/02/2023 ra văn phòng công chứng để kí hợp đồng chuyển nhượng thì ông B từ chối không ký và muốn hủy hợp đồng đặt cọc và yêu cầu trả lại số tiền đã cọc. Trong trường hợp này, ông B đã không thực hiện giao kết hợp đồng theo như thỏa thuận ban đầu. Nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì ông A sẽ được hưởng số tiền cọc này.

4.2. Xử lý tài sản đặt cọc khi bên nhận đặt cọc không thực hiện nghĩa vụ:

Theo khoản 2, Điều 328, Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Sau khi nhận tài sản đặt cọc, từ chối kí kết hợp đồng thì bên nhận đặt cọc phải hoàn trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc và bồi thường một khoản tiền tương đương nếu như có thỏa thuận khác. 

Ví dụ: Ông O có nhận số tiền đặt cọc là 50.000.000 đồng từ ông P để đảm bảo và thực hiện giao kết hợp đồng là bán căn nhà cấp tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho ông P. Hẹn ngày 15/5/2023 sẽ giao số tiền còn lại là 500.000.000 đồng và cả hai sẽ cùng ra văn phòng công chứng kí hợp đồng chuyển nhượng. 

Tuy nhiên, đến ngày hẹn thì ông O từ chối kí hợp đồng, lí do vì ông đã bán căn nhà với giá cao hơn cho bà M. Nhiều lần liên lạc nhưng ông O luôn tránh né không gặp ông P. Như vậy, ông O đã không làm đúng theo hợp đồng giao kết phải hoàn trả lại số tiền đã nhận cọc và bị phạt vi phạm theo pháp luật.  Ông O phải trả lại số tiền 50.000.000 và số tiền tương ứng tiền đã đặt cọc cho ông P

Trên đây là bài viết tham khảo về Hợp đồng đặt cọc và xử lý tài sản đặt cọc. Nếu bạn đọc có thắc mắc, hãy liên hệ đội ngũ Luật An Nghiệp - Luật sư tư vấn để được hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc nhanh chóng nhất

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 0584 666 111

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc, KP6, P. Trung Dũng, Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Dịch vụ khác