Chào Luật sư tôi muốn tư vấn vấn đề sau. Năm 2019 tôi có cho một người bạn vay 500 triệu đồng để làm ăn, hai bên có thỏa thuận lãi suất 1,5%/tháng, vay trong 1 năm nhưng vì tin tưởng nên tôi chuyển khoản qua số tài khoản của bên vay nên không ghi giấy vay nợ, năm 2020 bên vay vẫn trả tiền lãi cho tôi, nhưng đến năm 2021 bên vay không trả lãi và gốc cho tôi nữa. Hiện nay còn 340 triệu, tôi có liên hệ nhiều lần nhưng bên vay không chịu trả nợ, và nói có giấy vay nợ nên không trả nợ. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể đòi lại được số tiền 340 triệu khi không có giấy vay nợ không? tôi có kiện bên vay được không?

Cho vay không viết giấy vay nợ có đòi nợ được không?

Cảm ơn câu hỏi của quý khách. Luật sư Nguyễn Hiếu - Luật An Nghiệp sẽ trả lời, giải đáp câu hỏi của quý khách kèm các quy định pháp luật qua bài viết cụ thể dưới đây.

1. Cho vay tiền có bắt buộc phải viết giấy ghi nợ không?

Cho vay tiền, tài sản là một trong những giao dịch dân sự phổ biến. Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015:

"1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản."

Bên cạnh đó, Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản. Hợp đồng vay tiền, tài sản được công nhận cả ở ba hình thức là bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Như vậy quý khách cho vay nhưng không ghi giấy vay nợ nhưng có tin nhắn hoặc giao dịch chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng thể hiện việc vay mượn thì đã xác lập giao dịch dân sự giữa các bên hoặc việc bên vay chuyển khoản tiền lãi hàng tháng cũng đã xác lập giao dịch vay.

2. Cho vay tiền không có giấy tờ có đòi được không?

Như đã phân tích, pháp luật hiện không bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản. Do đó, nếu cho vay tiền không có giấy tờ nhưng được thể hiện qua lời nói, hành vi hay tin nhắn, mail… thì pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Mặc dù có thể không cần thể hiện thông qua văn bản, giấy tờ nhưng thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015: 

"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."

Theo quy định trên, nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thì việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy vay nợ thì vẫn hợp pháp và người cho vay hoàn toàn có thể đòi nợ người vay. Như vậy việc  thỏa thuận vay mượn giữa quý khách và bên vay đều hợp pháp dù không ghi giấy vay nợ nhưng các bên đều thõa nãm các quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, nên quý khách có quyền đòi nợ, yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

3. Làm cách nào đòi được nợ khi không có giấy tờ vay?

Đầu tiên, bên cho vay vẫn nên thông báo, đàm phán, thỏa thuận với bên vay về việc trả nợ trước. Nếu bên vay vẫn phớt lờ, cố tình không trả nợ thì lúc này bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cụ thể, khi làm thủ tục kiện đòi nợ, bên cho vay cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn khởi kiện (Theo mẫu);

- Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ chiếu…(Bản sao y công chứng, chứng thực);

- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cho vay (giấy vay nợ, giấy nhận nợ, sao kê chuyển khoản, tin nhắn....);

Về chứng cứ chứng minh tồn tại giao dịch vay tiền, Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;

2. Vật chứng;

3. Lời khai của đương sự;

4. Lời khai của người làm chứng;

5. Kết luận giám định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;

9. Văn bản công chứng, chứng thực;

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Để chứng minh được việc cho vay thì chủ nợ phải thu thập các chứng cứ như bản ghi âm lại lời nói hay có sự xác nhận từ người đi vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác... Tất cả những điều này đều có là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết.

Như vậy, nếu quý khách đã thông báo, đàm phán với bên vay về việc trả nợ nhưng bên vay cố tình không trả nợ. Thì quý khách cần chuyển bị các tài liệu, chứng cứ để làm các thủ tục khởi kiện bên vay ra Tòa án yêu cầu bên vay phải trả nợ gốc và lãi theo quy định pháp luật. Nếu quý khách không thể tự làm các thủ tục khởi  kiện tại Tòa án thì có thể liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ.

Lưu ý, bên cho vay chỉ nên đòi nợ bằng thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án và không được dùng vũ lực, đe dọa hay bắt giữ trái pháp luật bên vay. Nếu thực hiện các hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác để đòi nợ, rất có thể bên cho vay sẽ bị xử phạt hành chính hoặc tệ hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác người này về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn đến 20 tùy theo mức độ vi phạm.

Trên đây là câu trả lời cùng những quy định chung về giao dịch vay tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015. Nếu quý khách còn có câu hỏi hay cần tư vấn các vấn đề khác thì hãy gọi ngay số Hottline dưới đây để được đội ngũ Luật sư tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến.

Văn Phòng Luật Sư An nghiệp được đánh giá là một trong những công ty luật uy tín chuyên nghiệp hàng đầu tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Với đội ngũ nhân viên luật sư chuyên nghiệp, am hiểu pháp luật, được đào tạo bài bản luatsubienhoa.com.vn đã và đang hỗ trợ, là lựa chọn hàng đầu cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức lớn nhỏ có nhu cầu về luật. Công ty có trụ sở chính tại Biên Hòa, Đồng Nai hỗ trợ các lĩnh vực chính:

HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH

✅Luật sư tư vấn ly hôn tại Đồng Nai
✅Dịch vụ ly hôn đơn phương
✅Tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
✅Tư vấn thủ tục kết hôn với người nước ngoài
✅Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ các dịch vụ luật khác, dân sự, thừa kế, lao động, hình sự, kinh doanh - thương mại...

Hỏi đáp khác