PHÁP NHÂN LÀ GÌ? NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÁP NHÂN BẠN CẦN BIẾT

Pháp nhân là một thuật ngữ xuất hiện rất nhiều trong những văn bản pháp luật hiện hành. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ pháp nhân là gì. Những quy định theo pháp luật về pháp nhân như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây của Luật An Nghiệp.

I. Pháp nhân là gì

Pháp nhân được quy định theo Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó pháp nhân được hiểu như sau:

- Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với cá nhân và những tổ chức khác.

- Pháp nhân là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội... theo quy định của pháp luật.

- Nếu một tổ chức có tư cách pháp nhân thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân được quy định tại điều luật này.

II. Điều kiện để được công nhận là một tổ chức có tư cách pháp nhân như thế nào

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

1. Tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật

Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người mà phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

2.Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Theo Điều 83 Bộ luật dân sự năm 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ: “Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.

3. Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.

4. Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để có tư cách pháp nhân.

Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.

III. Các quy định về pháp nhân

1. Quốc tịch của pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.

2. Tài sản của pháp nhân

Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở  hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

3. Thành lập, đăng ký pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.

4. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

- Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.

- Người đứng đầu chi nhánh công ty, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

- Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự  phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

5. Đại diện của pháp nhân

Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật chuyên ngành như Luật doanh nghiệp.

6. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự.

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan quy định khác.

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

7. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

- Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

8. Hợp nhất sáp nhân

- Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới

- Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập, quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

9. Sáp nhập pháp nhân

- Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới

- Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại, quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

10. Chia pháp nhân

- Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.

- Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại, quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

11. Tách pháp nhân

- Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân.

- Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

12. Chuyển đổi hình thức của pháp nhân

- Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.

- Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập, pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.

13. Giải thể pháp nhân

- Pháp nhân giải thể trong trường hợp sau đây:

+ Theo quyết định của điều lệ;

+ Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.

14. Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể

- Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:

+ Chi phí giải thể pháp nhân;

+ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

+ Nợ thuế và các khoản nợ khác.

- Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.

Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.

15. Phá sản pháp nhân

Việc phá  sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

16. Chấm dứt tồn tại pháp nhân

- Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:

+ Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật dân sự;

+ Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

- Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác lập trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trên đây là bài viết chia sẻ Pháp nhân là gì và các điều kiện để trở thành pháp nhân. Hãy liên hệ ngay với Luật An Nghiệp để được tư vấn hỗ trợ chi tiết hơn.

Hotline: 079 44 77 555; 0932 116 766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsubienhoa.com.vn

 

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 0584 666 111

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc, KP6, P. Trung Dũng, Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Dịch vụ khác