Cha mẹ ly hôn thì con cái là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, khi đó những đứa con sẽ không còn đầy đủ một gia đình trọn vẹn. Chính vì vậy mà nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái sau ly hôn là nghĩa vụ mà cha mẹ nào sau khi ly hôn bắt buộc phải làm trừ trường hợp cha hoặc mẹ nuôi con mà không yêu cầu cấp dưỡng. Vậy thì cấp dưỡng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu, con cái đã 18 tuổi liệu có phải cấp dưỡng hay không cũng chính là những thắc mắc mà khi ly hôn ai cũng phải suy nghĩ tới. Sau đây Luật An Nghiệp- Văn Phòng Luật sư tư vấn ly hôn tại Biên Hòa Đồng Nai sẽ cũng làm rõ để các bạn đọc có thể hiểu thêm về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái sau ly hôn.

Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái sau khi ly hôn

1.   Nghĩa vụ và đối tượng được cấp dưỡng

Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Con cái chưa thành niên là khi chưa đủ 18 tuổi. Nếu cha và mẹ ly hôn trước khi con đủ 18 tuổi thì phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để đảm bảo con cái phát triển toàn diện.

Con cái khi đã thành niên nhưng vẫn được cấp dưỡng khi: không có đủ năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi bản thân. Tùy theo từng trường hợp sẽ được Tòa án xem xét và xét xử theo từng vụ án cụ thể.

2.   Mức cấp dưỡng cho con cái

Mức cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, không có quy định về mức cấp dưỡng là bao nhiêu. Tùy vào kinh tế, khả năng thu nhập của cha hoặc mẹ, hai bên có thể để thỏa thuận về mức cấp dưỡng. Nếu như hai bên không thể thỏa thuận được về mức cấp dưỡng thì Tòa án sẽ giải quyết.

Nếu như trong những trường hợp có lý do chính đáng, người cấp dưỡng có thể thay đổi mức cấp dưỡng như quy định ban đầu

3.     Thời gian cấp dưỡng

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định cụ thể về thời gian bắt đầu cấp dưỡng, chỉ quy định về thời điểm chấm dứt cấp dưỡng. Căn cứ Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng:

“Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

6. Trường hợp khác theo quy định của luật.”

Khi xảy ra những trường hợp trên thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ không cần phải cấp dưỡng cho con cái nữa.

4.     Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có bị xử phạt hay không?

Theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Ngoài ra tại Điều 186 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Bài viết trên đã phần nào giải quyết được về các nghĩa vụ cấp dưỡng và việc xử phạt khi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái sau ly hôn. Nếu có những vấn đề thắc mắc hãy liên hệ với đội ngũ Luật An Nghiệp để được cung cấp các dịch vụ liên quan và nhanh chóng, chính xác nhất.

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 079 44 77 555

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Dịch vụ khác