Chiều 7-12, phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư của cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình mở đầu phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư đã trình bày một số ý kiến nhằm làm rõ thêm động cơ, mục đích và xem xét thêm cho bị cáo Bình về số tiền bị coi là chiếm đoạt. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị, trong đó có việc thu hồi các khoản chi lãi suất ngoài trong vụ án này.

Đối với việc chi lãi suất ngoài, bị cáo Bình khai việc chi lãi suất ngoài là tình trạng chung của các ngân hàng, nếu DAB không chi thì không thể huy động được vốn, khách hàng sẽ rút tiền. Do đó, bắt buộc DAB phải chi để đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng.

“Điểm khác biệt lớn trong vụ án DAB so với các vụ án khác là các khoản chi lãi ngoài được theo dõi và cập nhật chi tiết, xuất phát từ bối cảnh khách quan, nên không có bất cứ ai có thể lợi dụng để xà xẻo đút túi cá nhân” - luật sư nói.

Nguồn tiền chi lãi ngoài để huy động vốn được lấy từ Kho quỹ Hội sở, Phòng nguồn vốn có trách nhiệm chuyển tiền cho các Chi nhánh, Phòng giao dịch để các Chi nhánh, Phòng giao dịch chi lãi ngoài cho khách hàng.

Cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình tại tòa

Theo luật sư, vấn đề đặt ra còn lại chính là việc xử lý, thu hồi đối với các khoản chi lãi ngoài này nhằm khắc phục hậu quả vụ án như một số phán quyết có hiệu lực xét xử một số vụ án liên quan ngân hàng thời gian qua.

“Nếu có danh sách và địa chỉ khách hàng cũng như chi tiết số tiền nhận lãi ngoài, chúng tôi tin là khả năng để thu hồi khoản chi lãi ngoài như một khoản tiền thụ hưởng không hợp pháp có có căn cứ, giảm thiểu thiệt hại cho DAB” - luật sư đặt vấn đề.

Đối với khoản tiền 13,4 triệu USD, luật sư cho rằng bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã nhìn nhận trách nhiệm về mặt dân sự đối với thân chủ của ông (thực chất là trách nhiệm đối với DAB). Do đó thân chủ của ông không chịu trách nhiệm về mặt hình sự và dân sự đối với số tiền bị quy buộc là chiếm đoạt nêu trên.

Về hành vi xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua cổ phần DAB đứng tên ông Trần Phương Bình và người thân, cá nhân khác đứng tên, luật sư đã chỉ ra quá trình điều tra và tại phiên tòa đã làm rõ toàn bộ cổ tức hàng năm của cổ phần DAB, bị cáo Bình và các cá nhân đứng tên mua trong đợt tăng vốn năm 2009 và 2012 nêu trên đều do bị cáo Bình nhận và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Theo luật sư, thân chủ của ông sợ việc tăng vốn đỗ vỡ ảnh hưởng uy tín của ngân hàng nên đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền quỹ của DAB để mua cổ phần đứng tên ông Bình và người thân. Việc sử dụng tiền quỹ để mua cổ phần DAB là do ông Bình tự quyết định, không phải chủ trương của DAB.

Trong vụ án này, HĐXX đã xét hỏi rất nhiều về mối quan hệ giữa bị cáo Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ liên quan đến các khoản vay 200 tỷ đồng và 13,4 triệu USD. Luật sư cho rằng thân chủ của ông thừa nhận bản thân phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản tiền không thu hồi được, nhưng về bản chất, bị cáo Vũ phải trả số tiền này cho DAB vì công ty của bị cáo Vũ mới là đơn vị sử dụng khoản tiền nói trên chứ không phải cá nhân bị cáo Bình sử dụng.

“Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Vũ có những lời giải thích khác về bản chất hành vi của mình, nhưng có điểm chung là bị cáo Vũ nhìn nhận trách nhiệm của mình về số tiền 203 tỷ đồng này. Thực tế trước và thời gian diễn ra phiên tòa, gia đình ông Vũ đã nộp số tiền 203 tỷ đồng” - luật sư trình bày.

Luật sư đề nghị HĐXX được trừ số tiền hơn 1.160 tỷ (tiền mua 74 triệu cổ phần DAB) ra trong tổng số tiền bị coi là thiệt hại của hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bởi hiện số cổ phần này vẫn được ghi nhận trên sổ sách đăng ký cổ phần và chịu sự quản lý, định đoạt của DAB khi vụ án được khởi tố.

Nguồn: Báo PL TPHCM

 

LIÊN HỆ LUẬT SƯ ĐỒNG NAI - VPLS AN NGHIỆP

Điện Thoại: 079 44 77 555

Địa chỉ: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- P. Trung Dũng- Biên Hòa - Đồng Nai

lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Bài viết khác